Những điều về kem chống nắng chị em phụ nữ cần biết

Kem chống nắng là gì , bạn cần hiểu hết về công dụng và tác dụng của nó ra sao ? Hãy cùng banmypham.vn giải quyết vấn đề này các bạn nhé .
1. Bôi kem chống nắng rồi thì không lo da sẽ bị đen nữa
Nhiều bạn nghĩ vậy đấy. Nhưng nghĩ vậy là không đúng. Các bạn nên biết rằng chỉ có sản phẩm chống nắng cản được cả tia UVA và UVB (các tia này kích hoạt các tế bào hắc tố sản sinh melanin làm da sậm màu) mới giúp da không bị đen. Thậm chí nếu hoạt chất chống tia UV không bền dưới ánh nắng thì da bạn vẫn bị đen như thường. Hơn nữa, bạn cũng phải dùng đủ lượng kem chống nắng mới có thể đạt hiệu quả như mong đợi.
Các chuyên gia khuyên rằng nên sử dụng 2mg/cm2 (tức là khoảng 25-30gr cho toàn thân và 1/3 thìa cà phê nếu dùng cho mặt) để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất.
2. Kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao càng tốt
Nói theo lý thuyết thì không sai nhưng nghĩ vậy cũng chưa hẳn là đúng. Tại sao vậy? Các bạn nên biết rằng SPF (Sun Protect Factor) là định mức đo lường số giờ trung bình của một sản phẩm chứ không phải là lượng chất chống nắng nhiều hay ít. Định mức quốc tế là 1 SPF = 15 phút (ví dụ SPF 15 = 3g45′), nếu bạn thoa đúng độ dày 0,2 mm kem lên da. SPF càng cao sẽ bảo vệ da dưới nắng được lâu hơn. Tuy nhiên tác dụng này không ổn định do bụi bậm, mồ hôi, ma sát, quần áo và nước.
Chỉ số SPF cao hơn không có nghĩa là sẽ bảo vệ da tốt hơn. Thực tế, không có loại kem chống nắng nào có khả năng chống tia tử ngoại tới 100%. Kem chống nắng có SPF cao thì khả năng lọc tia tử ngoại càng tốt, nhưng thực tế từ SPF 30 trở lên thì khả năng đó không chênh lệch nhau nhiều (điều này được thể hiện rất rõ ràng ở biểu đồ trên). Ví dụ sản phẩm có SPF30 lọc được khoảng 97%, nhưng SPF60 cũng chỉ lọc được 98% tia UV mà thôi
Và SPF càng cao đồng nghĩa với khả năng các chất hóa học trong sản phẩm càng gia tăng, dễ dẫn đến các vấn đề khô da, kích ứng và nhạy cảm. Mức độ chống nắng vừa phải và an toàn thích hợp dùng cho mặt và những vùng da mỏng là SPF 20 đến SPF35. Tuy nhiên khi đi biển hay ra ngoài trong những ngày trời nắng nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 40 đến 50.
3. Trời râm mát hay âm u nhiều mây thì không cần dùng kem chống nắng
Nghĩ vậy là sai. Mặc dù trời không nắng hay đứng dưới bóng cây râm mát thì vẫn không thể tránh được bức xạ của tia tử ngoại. Mây chỉ giúp cho ánh nắng dịu bớt chứ không có tác dụng ngăn các tia UV. Gần 90% tia UV vẫn “vượt rào” thành công khi trời nhiều mây. Chúng cũng có thể phản xạ qua kính, nước, kim loại và tác động đến làn da mỏng manh của bạn. Vì thế bạn vẫn bị cháy nắng dù đứng trong bóng râm. Cả khi ngồi ô tô, nếu xe không có loại kính đặc biệt chắn tia UV thì bạn vẫn cần kem chống nắng.
4. Đợi gần sát giờ ra ngoài mới thoa kem chống nắng
Được thôi. Thà vậy còn hơn không thoa. Tuy nhiên làm như thế sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Kem chống nắng cũng giống như những loại kem dưỡng da khác đều cần một khoảng thời gian để có thể thẩm thấu vào da. Vì vậy nên thoa kem chống nắng truớc khi ra ngoài khoảng 15-20 phút và nên thoa kem trước 30 phút khi ra bể bơi hoặc bãi biển. Nên tập cho mình thói quen sử dụng kem chống nắng, có như thế thì bạn mới không để đến lúc ra ngoài nắng rồi mới nhớ ra, lúc đó thoa kem cũng không có mấy tác dụng.
5. Những loại tia gây hại cho da
Trong ánh nắng có 3 tia gây hại là UVA, UVB, UVC.
UVC: Tia gây ung thư da, bị ngăn bởi tầng Ozon, rất may mắn là tầng Ozon tại Việt Nam chưa bị thủng nên vẫn còn tác dụng chặn tia UVC truyền tới mặt đất. Trong khi đó, ở những nơi có tầng Ozon bị thủng hoặc mỏng thì nguy cơ ung thư da từ UVC là rất lớn. Hầu hết các loại kem chống nắng không có tác dụng chống UVC.
UVB: hoạt động lúc 9h-14h, mạnh nhất vào mùa hè, tác động vào lớp biểu bì, gây cháy nắng, sạm da, rát da. UVB không xuyên qua được kính nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước. Đa số các loại kem chống nắng đều chống được UVB, nhưng không phải loại kem nào cũng chống được UVA.
UVA: hoạt động lúc 14h-18h, luôn hiện diện bất kể mùa nào trong năm, cho dù trời nắng hay không. Thậm chí còn hoạt động mạnh nhất lúc trời râm mát, đặc biệt sau khi mưa. UVA xuyên được qua kính và nhiều loại vải. Tia này tác động vào trung bì, làm ảnh hưởng đến các gốc tự do, collagen, elastin, và các thành phần khác, gây nên hiện tượng lão hóa, kém đàn hồi, nếp nhăn, chảy xệ, nám dưới da. UVA còn gián tiếp gây ung thư và đột biến DNA.
6. Những người có làn da đen sẵn thì dùng kem chống nắng làm gì?
Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Dùng kem chống nắng không phải chỉ để không bị đen đi. Mọi làn da đều có nguy cơ lão hóa và ung thư da bởi ánh nắng. Một chuyên gia da liễu người Anh đã khẳng định: “Rất nhiều người nghĩ rằng cháy nắng 1 chút không sao. Tuy nhiên, nằm dài dưới nắng mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào thì chẳng khác gì bạn hút tới 80 điếu thuốc/ngày”.
7. Chỉ cần thuốc chống nắng bằng đường uống là đủ?
Đúng, nhưng chưa đủ.
Các viên uống bổ sung chứa các chất chống oxy hóa mạnh như chiết xuất trà chanh, dương xỉ giúp làn da chống lại sự tàn phá từ tia cực tím. Tuy nhiên, bạn vẫn nên phối hợp cả hai cách uống và thoa. Kem chống nắng sẽ là lá chắn an toàn đầu tiên cho da và các viên uống bổ sung sẽ hỗ trợ việc phục hồi những hư tổn, lão hóa, cháy nắng…
8. Kem chống nắng có bị giảm dần theo thời gian không?
Đúng vậy. Theo thời gian, mọi loại mỹ phẩm đều mất dần hiệu quả. Tuy rằng hạn sử dụng của các loại kem chống nắng là khoảng 3 năm, nhưng tốt nhất, nên loại bỏ các tuýp kem sau 1 năm mở nắp. Ngoài ra, trên lý thuyết nhiều sản phẩm chống nắng SPF cao có thể bảo vệ da tới 8 tiếng, nhưng dưới tác động của môi trường, mồ hôi, nước hay sự ma sát, chúng có thể bị giảm tác dụng. Vì vậy bạn nên thoa lại sau mỗi 3-4 tiếng.
9. Dưỡng da, trang điểm và kem chống nắng, phải dùng theo thứ tự ra sao?
Đây là điều các bạn cần biết để việc sử dụng mỹ phẩm phát huy hết tác dụng. Quy trình apply các sản phẩm lên mặt sẽ là: skincare (dưỡng) -> kem chống nắng -> trang điểm. Nếu dùng kem chống nắng đầu tiên thì sẽ tạo một lớp màng chắn bảo vệ khiến các dưỡng chất của sản phẩm skincare không thẩm thấu vào da được, có dưỡng cũng vô ích. Còn nếu thoa kem chống nắng sau khi trang điểm thì sẽ làm nhòe nhoẹt hỏng hết lớp trang điểm xinh đẹp của bạn mất thôi.
Còn một vấn đề liên quan nữa, các sản phẩm trang điểm và dưỡng da ban ngày thường cũng có cả thành phần chống nắng. Vậy thì khi đè các lớp lên nhau, làm sao chúng ta biết được da mình đang được bảo vệ bởi SPF bao nhiêu?
SPF không thể cộng vào được, vì vậy chỉ số chống nắng cho da của bạn sẽ là mức của sản phẩm có SPF cao nhất. Ví dụ: Bạn dùng kem dưỡng có SPF15, kem chống nắng SPF45 và kem nền (BB/CC cream) SPF20 thì chỉ số chống nắng cho da bạn lúc này là 45 nhé.
10. Sử dụng kem chống nắng như thế nào cho đạt hiệu quả cao nhất?
Để sử dụng kem chống nắng đúng cách và hiệu quả, bạn cần thực hiện tốt 2 điều sau:
Bôi đủ: Bạn đọc lại phần 1 trên cùng xem, các chuyên gia khuyên nên dùng 2mg kem chống nắng trên 1 cm2 da (tức là khoảng 25-30gr cho toàn thân và 1/4 đến 1/3 thìa cà phê nếu dùng cho mặt) để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất. 1/4 đến 1/3 thìa cà phê tương đương với 1 lượng kem trải đều từ gốc đến đầu ngón tay trỏ,. Các bạn sẽ thấy bôi như thế là dày quá xá phải không? Nếu bạn không bôi đủ thì thà khỏi bôi vì lớp “áo” quá mỏng sẽ không thể bảo vệ che chắn được cho da. Và thay vì chống được vài giờ đồng hồ như ta đã tính chỉ số SPF thì nó chỉ chống được vài chục phút cho đến 1 giờ… có khi còn chẳng được 1 giờ. Vậy nên bạn nhớ là không được quá tiết kiệm kem chống nắng đâu nhé.
Bôi đúng: Cho kem vào lòng bàn tay, tán đều và vỗ lên mặt. Vừa vỗ vừa áp cho kem thấm đều lên da. Không nên xoa tròn như khi tẩy trang hay dùng kem dưỡng vì khi làm như vậy, một phần kem sẽ tan vào trong lớp dầu tự nhiên của da và bị lỏng ra, làm giảm tác dụng của kem chống nắng. Đồng thời cách bôi này giúp kem thấm nhanh hơn, khô thoáng và đều hơn. Nếu da bạn không hấp thu được một lượng nhiều thì bạn có thể chia kem thành 2 lần bôi, vỗ đều giữa 2 lần là được. Sau 10 phút, nếu da bạn đổ dầu thì hãy dùng giấy thấm dầu để giúp da mặt khô thoáng hơn, hoặc bạn có thể sử dụng một lớp phấn phủ để hút bớt đầu cũng được .

Nhận xét

Bài đăng phổ biến